[Review] Tiểu thuyết Nam tước trên cây – Italo Calvino


Tựa sách: Nam tước trên cây – Il barone rampante

Tác giả: Italo Calvino

Dịch giả: Vũ Ngọc Thăng

Nhà xuất bản Văn học và Nhã Nam 2009

~oOo~

.

.

Cosimo đang ở trên cây sồi xanh. Cành cây giương vẫy, cầu cao trên mặt đất. Mặt trời chói chang, gió lùa. Nắng soi kẽ lá, chúng tôi phải dùng bàn tay làm chụp để nhìn được anh. Cosimo ngắm thế giới từ trên cây: mỗi sự vật, nhìn từ trên ấy, thấy khác, chỉ điều này đã là vui thú. Con lộ mang một phối cảnh khác, kìa bồn hoa, cây hoa tú cầu, cây hoa trà, cái bàn sắt nhỏ uống cafe trong vườn. Xa hơn, những lùm cây thưa ra, ruộng rau hạ dần thành những thửa ruộng thang nho nhỏ, trụ đỡ bởi các bờ tường đá; từ phía sau sườn đồi sẫm cây ô liu, nhấp nhô những mái ngói phai màu, những mái nhà đá bảng của khu vự dân cư vùng Bóng Râm, rồi những cột cờ hiệu  chĩa cao của tàu thuyền neo tại bến cảnh. Biển tít tắp, chân trời lồng lộng, một cánh buồm lững lờ trôi.

.

Cứ như thế, cuộc sống của cậu thiếu niên Cosimo Rondeau dần đổi khác từ khi cậu trèo lên cây từ năm mười hai tuổi và không bao giờ chạm đất nữa. Tưởng chừng đó chỉ là một trò chơi con trẻ, nhưng cuối cùng Cosimo đã coi đó là quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời mình. Cho đến khi chết, Cosimo vẫn luôn ở trên không trung!

Câu chuyện mà Calvino viết vừa mang tính hiện thực xen lẫn với những yếu tố huyền ảo. Sau chương đầu đầy u ám, tẻ nhạt, tác giả đã để cho nhân vật của mình tự chọn một cuộc sống hạnh phúc hơn từ khi còn nhỏ tuổi. Bối cảnh của Nam tước trên cây là xứ sở Bóng Râm tưởng tượng thuở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX mà nhiều người cho rằng đó là miền Tây Bắc Italy, quê hương của Calvino. Tác giả đã lồng ghép các sự kiện, các nhân vật có thật trong lịch sử với nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của mình khiến câu chuyện được gắn với hiện thực nhiều hơn. Nhân vật Cosimo ban đầu chỉ vì chống lại những nề nếp quý tộc cổ hủ của gia đình mà lên cây sinh sống, sau đó anh đã thích ứng với cuộc sống trên không trung và vẫn làm được nhiều việc có ích. Cuốn truyện trải ra một miền thiên nhiên xanh tươi, sống động theo những cú chuyền cành của vị Nam tước trong suốt cuộc đời sau này.

Cosimo chỉ khác người ở chỗ anh sống trên cây, và thay vì bước đi như những người khác thì anh chuyền cành. Cuộc sống trên cây không làm cho anh trở nên cáu bẩn, xấu tính, ngược lại, anh vẫn rất lịch sự, vẫn giao tiếp với cộng đồng, vẫn đọc sách, đi săn, yêu thương…Tất cả những gì xung quanh Cosimo đều thuộc về không gian xanh tươi của cành lá. Để thích ứng với cuộc sống mới, vị Nam tước trẻ còn tìm cách sáng chế những vật phẩm có ích cho mình. Bạn của anh không chỉ là quý tộc cùng tầng lớp mà còn là những người dân thường, là tên tướng cướp mê đọc sách Gian Chùm Thạch Thảo, là chú chó Masimo Giỏi Giắn và chim muông, thú rừng. Anh cũng yêu như ai để rồi lưu mãi mãi trong tim mình hình ảnh người con gái tóc vàng đã gắn bó với anh từ thuở ấu thơ, nàng Hầu tước Viola của nhà Sóng Vỗ Bờ.

Tuy sống trên cây nhưng vị Nam tước xứ Bóng Râm vẫn nuôi dưỡng thói quen đọc sách. Anh đọc nhiều sách triết học, có những tư tưởng tiến bộ, hợp thời với Voltaire, Diderot. Anh cũng ưa khoa học kỹ thuật và tìm cách ứng dụng vào cuộc sống. Cosimo còn có mối liên hệ với cuộc Cách mạng Pháp, thậm chí cuối truyện còn được gặp cả Napoléon Bonapac nữa. Nhìn chung, Italo Calvino đã xây dựng một mẫu nhân vật khá gần với hiện thực cùng cuộc sống phiêu lưu đến kỳ lạ. Càng đọc, người ta càng bị cuốn hút vào những diễn biến xung quanh cuộc đời Cosimo Rondeau. Suy cho cùng, Cosimo vẫn là một người hạnh phúc vì đã làm được những điều mình mong muốn, mặc dù cuối đời Nam tước tự nhận:

– Tôi cũng thế – Cosimo trả lời –  từ nhiều năm nay tôi sống vì những lý tưởng mà mình cũng không biết giải thích cho chính mình: mais je fais une chose tout à fait bonne: je vis dans le arbres

Ban đầu tôi đã nghĩ, không biết bao giờ mới đọc xong chương I nữa vì nó quá lê thê, nhàm chán. Nhưng từ chương II trở đi, khi Cosimo đặt chân lên cây, tất cả đều thay đổi theo hướng tích cực hơn. Sau này điểm tôi không thích ở cuốn tiểu thuyết lại là nhà văn sử dụng quá nhiều các ngôn ngữ khác nhau khiến cho mạch đọc liên tục có chút khó khăn: khi thì ông sử dụng tiếng Đức, chỗ lại là tiếng Pháp, sau này còn có cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga nữa. Đôi chỗ bản dịch cũng chưa được mượt đồng thời cũng có một vài câu bị động khá ngang so với tiếng Việt. Nhưng dù sao, đây cũng là một câu chuyện thú vị theo hướng phiêu lưu của nhân vật chính. Có thể nói, đó là cách tác giả hồi tưởng lại quá khứ đẹp tươi, xây dựng lại những ước mơ thời còn nhỏ của mình và khơi gợi khả năng tưởng tượng của độc giả.

Vankey

Leave a comment