[Long fic] Phi hoa – Étude 19


Étude 19

.

.

Lênh đênh trên biển ròng rã hơn một tháng trời, cuối cùng họ cũng đặt chân đến Edo.

Khác với tâm trạng hồi hộp khi cận kề nhiệm vụ mới của Kim Hong Do và Shin Yun Bok, Jeong Hyang cảm thấy một niềm vui nho nhỏ len lỏi trong trái tim nhỏ bé. Cuối cùng nàng không còn phải chịu đựng những ngày buồn bã trên biển nữa. Nàng nhớ ngôi nhà xinh thân yêu trên triền núi Gwanak-san, nhớ những người đã luôn bên nàng qua biết bao khó khăn hoạn nạn. Lúc biết tin nàng xuất dương, tỷ nương, Manuyn và Go Mi Hwa đều qua thăm hỏi, tặng quà cho nàng. Go huynh vỗ vai Yun dặn dò phải chăm sóc nàng thật cẩn thận trong khi con bé Dae Hee quyến luyến sư mẫu không muốn rời. Dù biết rằng ra đi sẽ có ngày trở về nhưng Jeong Hyang vẫn cảm thấy không thật sự yên tâm. Những ngày qua đối với nàng thật quá buồn tẻ. Xung quanh nàng, biển xanh xanh, trời xanh xanh…Ngày ngày, hai người Kim Shin tranh thủ làm chung những bức vẽ khắc gỗ trên giấy washi để luyện tập còn nàng chỉ quanh quẩn với vai trò y sư, lấy tiếng đàn cầm làm vui. May mắn thay, không có ai ốm đau cả. Yun Bok lấy làm thích thú với nghệ thuật khắc gỗ của Nhật Bản nên nắm kỹ thuật hết sức nhanh chóng. Hong Do cũng hài lòng trước sự tiến bộ của học trò. Chàng đôi khi ái ngại nhìn Jeong Hyang mỗi khi nhận thấy vẻ buồn chán của nàng. Kim cũng dần nhận ra, trái tim chàng đã rộng hơn một chút, không còn vết dấu của những ác cảm năm nào như hồi ở Hangyang nữa. Mấy tháng cứ thế trôi đi trên biển cho đến ngày họ đến được Nhật Bản.

Ba người cùng hai kẻ tùy tùng hộ tống thuê một chiếc xe ngựa đến ngoại thành Edo, nơi đã được bố trí sẵn. Ngôi nhà gỗ của họ nằm sau một khu vườn rộng với những tán thông được cắt tỉa cầu kỳ. Đức vua Jeongjo đã mật báo với sứ thần Triều Tiên ở Nhật nên vừa tới nơi, Kim, Shin và Jeong Jyang đã thấy hai vị tả sứ, phó sứ đứng chờ trước cổng. Họ có khuôn mặt, dáng dấp của người Triều Tiên nhưng mặc trang phục Kimono đen rất trang trọng. Các vị sứ thần gật đầu chào hai thầy trò danh họa rồi dẫn họ bước vào ngôi nhà.

Ngôi nhà gỗ không chỉ là một nơi ở rộng rãi mà còn là một xưởng họa tuyệt vời!

Khuôn viên ngôi nhà rộng rãi, nhưng so với tổng thể thì lại rất xinh xắn. Hậu viện dành cho nữ nhân ở vừa kín đáo lại vừa có những tàng cây cổ thụ che giấu làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch. Cách bố trí thư phòng cũng chẳng khác gì ở Joseon là mấy, cho dù kích cỡ đồ vật và căn phòng có đôi chút khác biệt. Yun đứng lên, quan sát căn phòng mà nàng sẽ gắn bó một thời gian. Tuy đã nghe kể sẵn về tỷ lệ căn phòng của người Nhật nhưng nàng vẫn cảm thấy thú vị với những chiếc chiếu Tatami gắn trên nền nhà. Người Nhật lấy kích cỡ của Tatami rồi chiếu theo tỷ lệ để xây phòng, làm bàn ghế và những vật dụng khác.

Yun mỉm cười vừa lòng, kéo cửa bước ra sân. Mặt trời đang ở đỉnh đầu, chiếu những tia nắng cuối hạ qua tán lá rung rinh khiến cho nắng cũng dịu bớt. Vừa đi vừa ngắm nghía được một lát, nàng bắt gặp Jeong Hyang cũng đi thăm thú khu vườn xinh xắn bên những  cây đèn đá đặc trưng của Nhật. Nhìn thấy người tri âm, tri kỷ, Yun Bok lại gần, nắm lấy tay Jeong Hyang. Cả hai không nói gì, tay trong tay cùng nhau bước đến xưởng khắc gỗ ngay gần đó.

Trong xưởng, những vật dụng dành cho nghề mộc cũng được bố trí rất sẵn sàng. Những thớ gỗ anh đào được xếp gọn gàng, ngay ngắn còn vương hương thơm thoang thoảng. Màu vẽ, chế phẩm, giấy washi cũng đã được sắp đủ lên kệ, chỉ chờ bàn tay người họa sĩ. Hong Do trong lúc đó còn đang mải tiếp sứ thần nên hai nàng thoải mái trò chuyện ở đây:

– Jeong Hyang, ta không chờ được nữa, sắp tới nhất định ta sẽ vẽ thật nhiều, làm thật nhiều. Chẳng mấy khi có cơ hội được vượt biển đi xa đến thế.

– Chỉ cần họa công vui, với Jeong Hyang thế cũng là vui rồi.

Yun quay lại nhìn nàng, vẻ thông cảm:

– Ta biết thời gian vừa rồi nàng không vui. Trên biển lênh đênh quá đỗi buồn tẻ, mà chúng ta cũng không thể dành thời gian cho nhau nữa. Ta hứa với nàng, đây sẽ là lần cuối cùng…

Yun chưa dứt lời, những ngón tay thon mát rượi của Jeong Hyang đã chạm lên môi nàng. Jeong Hyang mỉm cười, thần sắc vui lên rất nhiều:

– Được rồi, họa công nhất định phải làm cho tốt, rồi chúng ta sẽ cùng quy ẩn, sống những ngày an lạc.

Sự yên bình làm cho tâm tình Jeong Hyang trở nên tốt hơn. Làn gió thơm hương gỗ bay qua song cửa khiến nàng cảm thấy dễ chịu. Nắng len qua khe cửa, thấy hai người bọn họ cũng ngại ngùng mà nhạt bớt màu. Tình yêu thương không nhất thiết phải thể hiện qua lời nói…

Không khí yên ắng bỗng chốc lát bị phá vỡ khi có tiếng người kêu:

– Này, ngươi làm sao thế, tỉnh lại đi! Ngươi không được ăn vạ ở đây!

Jeong Hyang dường như sực tỉnh, nàng nhanh chóng bước ra:

– Chắc có người gặp nạn, thiếp phải ra xem sao.

Yun Bok làu bàu:

– Ta vừa mới lên bờ chưa lâu đã lại gặp chuyện. Jeong Hyang, đừng đi một mình, chờ ta với! – Vừa nói, nàng vừa rảo bước theo chân Jeong Hyang lúc này đã ra gần đến cổng.

Ngoài cổng, hai người tùy tùng hộ tống họ đang cố sức đuổi một nam tử Nhật đang có vẻ như sắp ngất xỉu. Jeong Hyang vội gạt họ ra, đến chỗ nam tử kia. Mồ hôi hắn vã ra đầm đìa, con mắt như mất đi thần sắc, đôi môi tái nhợt, mấp máy: “Xin cho tôi chút nước”. Rõ ràng hắn đang bị cảm nắng rất nặng. Jeong Hyang nhìn Yun Bok cầu cứu, nàng nói:

– Dù thế nào thì cứu người cũng là việc nên làm, xin chàng chiếu cố.

Bất đắc dĩ, Yun Bok thở dài rồi ra lệnh hai tên tùy tùng khiêng nam tử kia vào nhà, an bài cho hắn ở phòng nghỉ của khách. Nàng biết rằng với thân phận làm nhiệm vụ, lại là người Triều Tiên thì rõ ràng đưa người lạ vào nhà là rất nguy hiểm, nhưng nàng cũng chẳng thể từ chối được Jeong Hyang. Thế thì cứ để tên kia tỉnh lại rồi tính sau vậy.

Qua hơn một canh giờ, nam tử Nhật tỉnh lại. Trong không khí, mùi hương trầm thoang thoảng dễ chịu, còn có tiếng đàn cầm văng vẳng từ phòng bên. Tiếng đàn lạ lẫm dường như không phải khí cụ Nhật Bản nhưng vẫn rất êm tai, thanh thoát. Hắn thở nhẹ nhàng, tĩnh tại hơn, trong lòng tự hỏi đây là nơi nào. Sực nhớ ra điều gì, nam tử quờ tay tìm ống chứa họa đồ. Thật may mắn là đồ đạc của hắn vẫn ở đây, không hề bị mất hay suy suyển.

Chợt bên ngoài có tiếng nói lạ vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của hắn:

– Cuối cùng ngươi đã tỉnh lại. Chúng ta chờ đã hơn một canh.

Tiếng nói kia phát âm có chỗ lạ lùng, hình như có hơi gượng. Hắn im lặng nhíu mày nhìn cánh cửa xếp từ từ mở ra. Hai nam tử khác, một cao lớn đậm người, một mảnh khảnh thanh tú bước vào nhìn hắn đầy dò xét. Hắn siết chặt lấy ống chứa họa đồ của mình, đề phòng trường hợp xấu nhất.

– Ngươi là ai? – Nam tử lớn tuổi hơn hỏi hắn với giọng điệu khá nghiêm khắc.

– Ta mới phải hỏi câu đó. Các ngươi là ai? Và ta đang ở đâu?

– Ta thấy ngươi ngất trước gia phủ mới đưa vào. Ai ngờ ngươi lại có thái độ như vậy – Nam tử thanh tú trả lời hắn với ánh mắt trách móc.

Hắn ngập ngừng rồi nhanh chóng cúi rạp người:

– Đa tạ các hạ. Tại hạ đã quá thất lễ. Tại hạ là Katsushika Hokusai, hôm nay không ngờ lại có duyên diện kiến.

– Ta thấy ngươi có ống đựng họa đồ. Ngươi là họa công à? Hay là thương lái họa đồ? – Kim Hong Do hỏi dò.

– Tại hạ là họa công. Chẳng hay các vị là…? Nhị vị đây dường như là người ngoại quốc?

– Chúng ta là họa công của Triều Tiên – Kim Hong Do điềm đạm trả lời – Chúng ta ngưỡng mộ nghệ thuật Nhật Bản đã lâu, nay muốn xuất dương học hỏi.

Ánh mắt Hokusai chợt sáng lên khi gặp người cùng chí hướng, hắn nồng nhiệt cười:

– Thật là vinh dự cho tại hạ. Nhưng gần đây tại hạ không vẽ nhiều. Tại hạ mới nghĩ ra một dòng tranh…. – Hắn ngập ngừng.

– Có phải dòng tranh khắc gỗ, còn gọi là Mộc Đồ? – Yun Bok phấn khích hỏi. Nàng cũng rất muốn mau chóng được thử sức với thể loại này.

– Chính là thế! – Hokusai vui vẻ – Thật ra đó là dòng tranh mới, cũng chưa thật phổ biến. Các hạ đây có hiểu biết thật tinh tường. Dòng tranh này mất nhiều thời gian vì các bản khắc phải làm tỉ mỉ. Các lãnh chúa có vẻ không thích các bức Mộc Đồ nên họ không muốn mua- Hắn thở dài.

Ánh mắt Kim Hong Do di chuyển đến ống họa đồ của Hokusai, chàng gợi ý:

– Ống họa đồ kia có chứa tranh vẽ của ngươi? Nếu ngươi không ngại, có thể cho chúng ta xem một chút chăng?

Hokusai mỉm cười, mở ống họa đồ. Bức vẽ của hắn trải ra thật chi tiết, sống động mà lại có điểm rất sáng tạo:

Thụ lý ngư đối vũ môn – Katsushika Hokusai

Cả Yun Bok và Hong Do đều ngạc nhiên trước độ tinh tế của họa đồ. Màu sắc không phải là rất tươi tắn, nổi bật, nhưng lại làm cho bức họa có chiều sâu. Cả tác phẩm đều hài hòa giữa âm và dương, giữa sáng và tối, lại đầy ý ẩn dụ nữa. Bản thân nhân vật chính trong tranh, chú cá chép, cũng không nhất thiết phải hiện ra đầy đủ cả thân hình. Chỉ cần một cái đuôi quẫy dưới dòng nước, họa công đã họa được đầy đủ ý tứ, khó nhọc của việc vượt vũ môn. Quả là một tác phẩm táo bạo và đầy sức sống. Yun Bok quay sang Hokusai:

– Bức này là Mộc Đồ của các hạ?

– Phải – Hokusai trả lời – Làm bản cốt cho Mộc Đồ rất lâu, phải chọn được gỗ anh đào loại tốt nhưng thời gian làm rất khó khăn. Vậy mà những bức như thế này lại không được trân trọng – Giọng nói của hắn có chút buồn bã.

Hong Do ý tứ liếc mắt ra hiệu cho Yun Bok. Nếu giữ được nam tử này ở lại gia phủ của họ thì đó là một cách thức tuyệt vời để tìm hiểu được xã hội Nhật Bản. Hắn hẳn là cũng thông thạo Edo nữa. Nghe qua cách nói chuyện, hắn cũng từng phục vụ các lãnh chúa. Vậy thì đây rõ ràng là một cơ hội tuyệt vời để họ có thể vừa học hỏi, vừa tìm hiểu thêm về binh tình.

– Hokusai các hạ, thật ra chúng ta vừa là họa công nhưng cũng là thương gia từ Triều Tiên tới. Chúng ta cũng muốn xúc tiến việc buôn bán các tác phẩm Mộc Đồ của Nhật Bản. Vừa hay lúc các hạ đang khó khăn, các hạ có thể lưu lại gia phủ, dạy chúng ta làm Mộc Đồ được chăng? Chúng ta có xưởng mộc đấy!

Những lời nói của Hong Do làm Hokusai cảm thấy cực kỳ ngạc nhiên mà phấn khởi. Hắn cúi đầu lạy tạ Kim, Shin:

– Vậy thì tốt quá rồi. Nhưng chẳng biết có phiền đến hai vị đây không?

– Không sao đâu – Yun Bok vui vẻ đỡ hắn – Ta là Shin Yun Bok, họa danh là Hyewon, tuổi Mậu Dần. Không biết là có hơn kém gì các hạ chăng?

– A, vậy huynh hơn đệ hai tuổi – Hokusai có chút ngập ngừng – Vậy tiền bối đây là…? – Hắn hỏi Hong Do.

– Ta là Danwon Kim Hong Do, là Sensei của tiểu tử này – Danwon nhìn Yun Bok mỉm cười – Ta hơn hắn một giáp lẻ một năm kia đấy.

– Vậy phải gọi tiền bối đây là thúc thúc – Hokusai tỏ ra thân thiện – Nếu được thúc và huynh cưu mang, Katsushika nguyện đem tính mạng báo đáp.

– Không cần đệ đa lễ thế đâu! – Yun Bok vui vẻ – Chỉ cần đệ truyền đạt lại kinh nghiệm làm Mộc Đồ cho chúng ta, thế là đủ rồi.

Vậy là từ đó Katsushika Hokusai ở lại gia phủ của hai thầy trò Kim, Shin trên đất Nhật. Họ miệt mài cùng làm những bản khắc trong xưởng gỗ. Càng ngày Hokusai và Yun càng trở nên thân thiết vì cùng chí hướng, lại trạc tuổi nhau. Hokusai cũng tỏ ra rất lễ phép với Jeong Hyang, người mà hắn vô cùng kính trọng vì y lý và cầm âm đều hơn người. Jeong Hyang hàng ngày quán xuyến gia phủ. Nàng cũng dần quen với xã hội ở Edo, với những bộ áo Kimono dành cho các thiếu phụ đã lập gia thất. Thật ra lễ nghi và trang phục của Nhật Bản đều rườm rà hơn so với Triều Tiên, nhưng nàng đã nhanh chóng quen được. Ngoài Gayageum, nàng cũng tập thêm một khí cụ dân gian của Nhật Bản là đàn Koto. Hoàng đế Joeongjo đã rất chu đáo, không bao giờ để cho người của mình phải khổ cực. Thời gian họ sống ở Edo cứ thế trôi đi chóng vánh như những cánh hoa anh đào bay lên khi gặp cơn gió nhẹ. Mọi việc cứ thế, tưởng chừng sẽ mãi êm đềm trôi qua.

 

Leave a comment