[Review] Tiểu thuyết “Những ngôi sao Êghe”


Tựa sách: Những ngôi sao Êghe” (Egri csillagok1901)

Tác giả: Gárdonyi Géza

Dịch giả: Lê Xuân Giang

Nhà xuất bản Văn học năm 1987

~oOo~

Tơrơc Balin nhắm mắt lại. Hơi thở nặng nề làm ngực ông phập phồng. Cuối cùng ông nói:

– Tâu bệ hạ, thần biết rằng bệ hạ không quen nghe những lời nói thẳng. Nhưng thần thì lại đã sống từ nhỏ đến giờ trong cảnh…Thần không thể nói điều gì khác với suy nghĩ của mình.

– Vậy ngươi nghĩ gì? – Xuntan lạnh lùng hỏi.

Tướng công Balin tái mặt nhưng vẫn trả lời bằng một giọng bình tĩnh, cương quyết:

– Thần nghĩ rằng dù cả nước có thuộc về bệ hạ, dù tất cả người Hung có trở thành dân Thổ đi nữa, thần vẫn không…thần vẫn không…thần vẫn không!…

Đoạn hội thoại trên là của một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến nước Hungrary trong thời kỳ xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ XVI, được dẫn trích từ tác phẩm “Những ngôi sao Êghe” của nhà văn Hungary Gárdonyi Géza. Tuy không phải là nhân vật chính trong tiểu thuyết lịch sử này, Tướng công Balint với tấm lòng trung nghĩa của ông dành cho đất nước khiến cho tôi cảm phục sâu sắc.

Có thể nói, trận chiến thành Eger hết sức khốc liệt và mang tính chất quyết định đối với cuộc khởi nghĩa chống đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ của nhân dân Hungary.  Lúc bấy giờ quân Thổ đã chiếm hầu hết các thành trì và vây hãm Eger với tất cả sức mạnh khổng lồ tưởng chừng như không gì địch nổi. Thế nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự ngoan cường của hai nghìn người dân thành, từ già, trẻ, lớn, bé. Cuộc chiến đấu hết sức anh dũng của những người Hungary vùng Thượng địa Đông Bắc ấy đã khiến cho quân Thổ bị thiệt hại nặng nề và phải bỏ dở kế hoạch xâm lăng toàn bộ Hungary.

Cuộc chiến đấu của nhân dân Eger đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có “Những ngôi sao Êghe” của Géza, và theo nhiều người đánh giá thì đây vẫn là tác phẩm thành công nhất về đề tài này. Để làm được điều đó, nhà văn đã phải tham khảo nhiều tài liệu nghiên cứu, gia phả các dòng họ của nhân vật chính trong truyện, thậm chí đã sang tận Thổ Nhĩ Kỳ để nghiên cứu các phong tục, tập quán của họ. Vì thế, cuốn truyện đã trở thành một trong những tác phẩm được nhiều lứa tuổi yêu thích, được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới.

Xuyên suốt câu chuyện trong tiểu thuyết là cuộc đời của nhân vật Gergely Bornemizza từ lúc còn là một cậu bé chăn ngựa nghèo khổ cho đến khi trở thành thượng úy chiến đấu ở Eger. Qua những bước phát triển của nhân vật, cuộc sống, phong tục, cho đến đồ ăn, thức uống của nhân dân Hungary hiện lên rõ nét và chân thực. Điểm hay nhất của cuốn tiểu thuyết là đã khắc họa tinh thần người Hung, lòng yêu nước chân thành của họ trong tình cảnh nội chiến –ngoại xâm phức tạp. Những người dân yêu nước đã cùng sát cánh bên nhau, không phân biệt sang hèn, từ những người quý tộc cho đến những anh nông dân đều chung một lòng chống lại quân thù giày xéo đất nước họ. Đến đỉnh điểm của cuộc chiến thành Eger, những người phụ nữ tưởng chừng chân yếu tay mềm chỉ làm nội trợ cũng đã đứng bên cạnh những dũng sĩ Hung để chiến đấu với quân Thổ. Cho đến lúc ấy, mặc dù vua Ferdinan I của triều đình Áo-Hung lúc bấy giờ không hề có chi viện hay giúp đỡ bất cứ thứ gì, nhân dân Hungary, đặc biệt là ở thành Eger vẫn luôn giương cao ngọn cờ tranh đấu đến cùng.

Có lẽ tôi đã quá may mắn khi được đọc cả hai tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt  của Gárdonyi Géza là “Nàng Ido” và “ Những ngôi sao Êghe”. Ở mỗi câu chuyện, dù miêu tả những thời kỳ khác nhau, nhân vật cũng khác, nhưng Géza đã rất thành công khi xây dựng tình huống cho tiểu thuyết và phân tích tâm lý nhân vật rất sâu sắc. Ông thực sự đã rất thành công khi viết nên cuốn tiểu thuyết lịch sử làm rung động lòng người mà mỗi nhân vật chính đã trở thành những ngôi sao sáng lấp lánh trên bầu trời Eger.

Leave a comment